HỆ THỐNG ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP CỦA ÚC VÀ CÁC KHUYẾN NGHỊ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI VIỆT NAM

Đảm bảo chất lượng giáo dục nghề nghiệp (GDNN) là nhiệm vụ quan trọng của mỗi quốc gia nhằm giữ vững niềm tin của xã hội đối với hệ thống văn bằng, chứng chỉ GDNN của quốc gia đó. Hệ thống đảm bảo chất lượng GDNN của Úc đã có lịch sự phát triển qua nhiều thập niên và được đánh giá là một trong những mô hình thành công hàng đầu thế giới. Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm từ Úc, đặc biệt khi GDNN Việt Nam đang cần đổi mới mang tính đột phá để nâng cao chất lượng đào tạo, góp phần phát triển nguồn nhân lực để nâng cao sức cạnh tranh quốc gia.

  1. Hệ thống đảm bảo chất lượng giáo dục nghề nghiệp quốc gia của Úc

1.1. Các cơ quan đảm bảo chất lượng giáo dục nghề nghiệp quốc gia

Mặc dù hệ thống chính trị Úc được xây dựng theo cơ cấu liên bang – tiểu bang[1] nhưng đảm bảo chất lượng GDNN được quy định thống nhất ở cấp độ quốc gia. Tất cả các cơ sở đào tạo (cả công lập và tư nhân) và khóa học GDNN đều được quy định và kiểm soát chất lượng bởi một trong 3 cơ quan đảm bảo gồm: ASQA (Australian Skills Quality Authority – Cơ quan chất lượng kỹ năng nghề Úc)), TAC (Training Accreditation Council – Hội đồng Kiểm định đào tạo) và VRQA (Victorian Registration & Qualifications Authority – Cơ quan quản lý và đăng ký chương trình đào tạo cấp văn bằng bang Victoria). Hiện Úc có hơn 4.500 cơ sở đào tạo GDNN với quy mô tuyển sinh khoảng 4,2 triệu học viên mỗi năm với khoảng 450 chương trình cấp văn bằng, chứng chỉ GDNN. Trong khi TAC và VRQA chỉ kiểm soát cơ sở đào tạo và chương trình GDNN tại 1 bang, lần lượt là Tây Úc (Western Australia) và Victoria, thì ASQA phụ trách đối với 6 bang và vùng lãnh thổ còn lại. ASQA hiện đang kiểm soát đối với khoảng 90% cơ sở GDNN và 65% khóa đào tạo được kiểm định trên lãnh thổ Úc[2]. ASQA được thành lập năm 2011, có trụ sở tại mỗi bang và hiện có tổng số gần 200 nhân viên. Điểm đáng lưu ý là ASQA không báo cáo Bộ Giáo dục Úc mà báo cáo trực tiếp lên Nghị viện Úc.

1.2. Các quy trình, thủ tục đảm bảo chất lượng giáo dục nghề nghiệp chính do ASQA quy định

– Đăng ký hoạt động ban đầu: Thủ tục này áp dụng đối với tổ chức muốn trở thành cơ sở đào tạo và cấp bằng các trình độ GDNN trên Khung trình độ quốc gia Úc (ở Úc cơ sở đào tạo này gọi là RTO – Registered Training Organization). Giấy chứng nhận đăng ký do ASQA cấp ghi tên, mã số của cơ sở đào tạo, thời hạn đăng ký hoạt động (thời gian bắt đầu và kết thúc hoạt động) và phạm vi hoạt động[3]. Để đảm bảo quản lý rủi ro, ASQA chỉ phê duyệt thời hạn đăng ký 2 năm với cơ sở mới được thành lập. ASQA đánh giá, phê duyệt hồ sơ đăng ký ban đầu căn cứ vào Khung chất lượng GDNN gồm 5 nội dung gồm (i) Các điều kiện Đánh giá mức độ rủi ro về tài chính; (ii) Bộ tiêu chuẩn đối với cơ sở đào tạo được công nhận năm 2015; (iii) Các điều kiện đối với nhân sự của cơ sở đào tạo đăng ký; (iv) Các điều kiện về cung cấp số liệu và (v) Khung trình độ quốc gia. Theo đó, tổ chức đăng ký phải cung cấp thông tin chứng minh khả năng tài chính, hoàn thành báo cáo tự đánh giá kèm theo bằng chứng về việc đáp ứng các tiêu chuẩn, bao gồm các nguồn lực cho khóa sinh viên đầu tiên bao gồm giảng viên, đánh giá viên, tài liệu học tập, dịch vụ đào tạo và hỗ trợ, cơ sở vật chất…Tổ chức đăng ký cũng cần chứng minh việc đã mua và cài đặt phần mềm Hệ thống quản lý sinh viên hay Công cụ nhập dữ liệu để đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn về hàng năm cung cấp thông tin số liệu của cơ sở đào tạo cho cơ quan quản lý theo quy định về thu thập dữ liệu quốc gia về cơ sở đào tạo GDNN. Ngoài ra, tổ chức đăng ký cũng chứng minh việc đủ năng lực đáp ứng khi số sinh viên tăng lên so với thời điểm đăng ký.

ASQA kiểm tra tính đầy đủ của hồ sơ đăng ký, tiếp theo là đánh giá rủi ro gồm đánh giá khả năng tài chính và bản khai về nhân sự phù hợp, cuối cùng là đánh giá, công nhận. Tùy trường hợp cụ thể, ASQA tiến hành kiểm tra thực địa hay không và quyết định kiểm tra thực địa tại một hay một số địa điểm đào tạo. ASQA có thể phê duyệt đăng ký với một số chương trình đào tạo, từ chối một số chương trình theo kết quả kiểm tra.

 – Công nhận các chương trình đào tạo: Đây là thủ tục áp dụng đối tổ chức muốn được công nhận nội dung một chương trình đào tạo cụ thể mà kết quả đầu ra không trùng với gói đào tạo[4] (training package) hoặc để đào tạo trong lĩnh vực mới. Căn cứ để ASQA công nhận là các tiêu chuẩn kiểm định chương trình GDNN và Khung trình độ quốc gia Úc. Mỗi chương trình được công nhận trong thời hạn 5 năm, được cấp một mã số và được tổng hợp trong danh mục nghề. Bất kỳ ai cũng có quyền xây dựng chương trình để đề nghị được công nhận theo thủ tục này, do vậy, các chương trình này thường được xây dựng bằng nguồn vốn tư nhân và do tư nhân nắm quyền sở hữu. Người sở hữu chương trình có quyền công bố, áp phí và điều kiện sử dụng. Cơ sở đào tạo (RTO) chỉ được đào tạo chương trình được công nhận này khi là tổ chức sở hữu khóa đào tạo này hoặc khi đã được người sở hữu chương trình đào tạo cho phép hay trong phạm vi đăng ký có chương trình đào tạo được công nhận.

– Gia hạn đăng ký: Thủ tục này yêu cầu cơ sở đào tạo phải nộp hồ sơ  đăng ký trước 90 ngày hết hạn trên giấy chứng nhận đăng ký ban đầu, chỉ áp dụng với cơ sở đào tạo đã triển khai đào tạo sau khi đăng ký.

 – Thay đổi phạm vi đăng ký: Thủ tục này được áp dụng khi cơ sở đào tạo muốn bổ sung hoặc giảm một số chương trình đào tạo có cấp văn bằng, các đơn vị có các chương trình đào tạo được công nhận; trường hợp cơ sở đào tạo được yêu cầu thay đổi phạm vi do có sự điều chỉnh gói đào tạo. Khi thay đổi phạm vi đăng ký, ASQA sẽ đánh giá việc tuân thủ Khung chất lượng GDNN đối với bất kỳ tổ chức khóa học nào. ASQA thường không kiểm tra thực địa mà áp dụng phương pháp quản lý rủi ro để đánh giá hồ sơ, trong đó có sử dụng công cụ là Hồ sơ của cơ sở đào tạo (Profile of RTO) đang được theo dõi, cập nhật. ASQA còn thu thập thêm thông tin từ các nguồn khác nhau như từ sinh viên và cựu sinh viên, từ đánh giá của chính phủ hay cơ quan quản lý khác, của doanh nghiệp, từ thông tin trên truyền thông, từ khiếu kiện…Khi đánh giá nếu thấy có rủi ro, ASQA sẽ phân loại theo 4 cấp độ gồm thấp, trung bình cao và rất cao; từ đó quyết định có tiến hành kiểm định tuân thủ hay không. Đối với các tổ chức mới được phép hoạt động dưới hai năm thì cần cung cấp thêm thông tin khi muốn thay đổi phạm vi gồm báo cáo tự đánh giá và đánh giá rủi ro về tài chính.

– Kiểm định tuân thủ: Quy trình này nhằm đánh giá, kiểm soát các cơ sở đào tạo có tiếp tục đảm bảo các tiêu chuẩn quy định sau khi được cấp phép hoạt động hay không. ASQA thực hiện kiểm định tuân thủ đối với cơ sở đào tạo mới được thành lập trong 2 năm đầu và đối với cơ sở đào tạo nếu bị đánh giá là “có rủi ro” về không tuân thủ các quy định. Thông tin thu thập được từ đánh giá rủi ro sẽ tác động đến quyết định phạm vi kiểm định và xác định vẫn đề cần tập trung giải quyết…Hầu hết các đợt kiểm định đều phải khảo sát thực tế, thời gian sẽ phụ thuộc vào quy mô cơ sở đào tạo và phạm vi kiểm định. Thông thường ASQA thông báo trước 1-3 tháng trước khi kiểm tra thực địa, tuy nhiên, ASQA có thẩm quyền quyết định kiểm định tuân thủ mà không cần phải thông báo với cơ sở đào tạo. Nếu kết luận kiểm định cơ sở đào tạo không tuân thủ các điều kiện quy định, thì cơ sở đó có tối đa 20 ngày làm việc để chứng minh việc tuân thủ các tiêu chuẩn, điều kiện. Nếu cơ sở không chứng minh được thì ASQA sẽ từ chối việc đăng ký hoạt động hoặc có biện pháp pháp lý như đưa ra điều kiện đặc biệt hoặc đình chỉ đăng ký của cơ sở đào tạo.

ASQA thu phí khi thực hiện các thủ tục đăng ký, công nhận chương trình đào tạo, bổ sung chương trình đào tạo theo mức phí cố định và phí kiểm định tuân thủ theo chi phí thực tế. Hồ sơ, thủ tục đều thực hiện qua cổng trực tuyến của ASQA là ASQAnet.

Bà Jen Bahen – Tham tán Giáo dục và Nghiên cứu, Đại sứ quán Úc trình bày tại Hội nghị Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về GDNN cho đội ngũ cán bộ quy hoạch cấp Vụ của Tổng cục GDNN, ngày 19-20/2021

  1. Các khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam

Từ nghiên cứu hệ thống đảm bảo chất lượng GDNN của Úc, một số khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam như sau:

– Thứ nhất, các biện pháp, quy trình, thủ tục đảm bảo chất lượng GDNN cần được quy định đồng bộ và logic theo “một mạch” xuyên suốt từ khâu bắt đầu đăng ký hoạt động đến hậu kiểm để kiểm soát chặt chẽ chất lượng đào tạo. Mỗi quy trình phải có mục tiêu rõ ràng và có sự gắn kết với nhau; quy trình sau khai thác kết quả từ quy trình trước để không chồng chéo, trùng lặp, giảm “gánh nặng” thủ tục hành chính cho cơ sở GDNN. Có thể thấy, các cơ sở GDNN ở Úc chỉ phải chứng minh việc đáp ứng một bộ tiêu chí chất lượng toàn diện trong cả quá trình từ thủ tục đăng ký đến quá trình triển khai đào tạo và nếu quá trình triển khai đào tạo không đảm bảo các tiêu chuẩn, điều kiện đó thì sẽ chịu những điều kiện ràng buộc nhất định. Đáng chú ý, tổ chức muốn đào tạo thì chỉ cần thực hiện một thủ tục là đăng ký ban đầu trong đó chứng minh sự sẵn sàng về các điều kiện đảm bảo chất lượng để có thể đào tạo ngày mà không cần trải qua 2 thủ tục gồm thành lập cơ sở đào tạo và sau đó đăng ký hoạt động. Trong khi đó, các quy trình đảm bảo chất lượng chính trong GDNN Việt Nam hiện nay gồm khá nhiều thủ tục “độc lập” là thành lập cơ sở đào tạo, đăng ký hoạt động đào tạo, đăng ký bổ sung, thanh tra, kiểm định chất lượng GDNN, các đợt kiểm tra theo chuyên đề, lĩnh vực cụ thể…Chính vì vậy, một cơ sở GDNN ở Việt Nam (ngay cả hoạt động tốt) trong thời gian ngắn có thể phải tiếp đón nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra, đánh giá và nội dung đánh giá theo đó không tránh khỏi chồng chéo, trùng lặp. Một điểm khác biệt cần lưu ý nữa là cơ sở GDNN ở Úc muốn đăng ký hoạt động bổ sung thì quyết định phê duyệt không chỉ phụ thuộc vào điều kiện liên quan đến hoạt động bổ sung mà còn phụ thuộc vào kết quả đánh giá các chương trình khác đang triển khai. Trong khi đó, tại Việt Nam, việc đánh giá chỉ căn cứ trên hồ sơ liên quan đến hoạt động bổ sung, chính vì vậy, không tạo áp lực, không khuyến khích các cơ sở đào tạo phải liên tục duy trì đảm bảo chất lượng.

– Thứ hai, phương pháp, cách tiếp cận dựa trên rủi ro (risk-based approach) cần được sử dụng trong quản lý, kiểm soát chất lượng các cơ sở GDNN. Cốt lõi của phương pháp này là cơ sở có rủi ro về chất lượng phải được theo dõi, kiểm soát chặt chẽ hơn. Không chỉ Úc mà các quốc gia như Anh, New Zealand đều áp dụng và khai thác hiệu quả phương pháp tiếp cận này. Thủ tục đăng ký thay đổi phạm vi của Úc đối với với cơ sở đào tạo có rủi ro thấp sẽ đơn giản hơn. Úc và Anh đều theo dõi chặt chẽ hơn với cơ sở đào tạo mới thành lập. Cả 2 quốc gia này đều căn cứ kết quả đánh giá rủi ro khi quyết định chọn cơ sở đào tạo để thanh tra hay kiểm định. Rõ ràng, phương pháp tiếp cận này này có tác động “kép”. Cơ quan quản lý nhà nước tiết kiệm được nguồn lực, đảm bảo hiệu quả tác động đến cơ sở đào tạo cần theo dõi, quản lý chặt chẽ. Trong khi đó, cơ sở đào tốt được “phần thưởng vô hình” là không mất thời gian, nguồn lực cho các đoàn kiểm tra, tạo động lực cho họ tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng. Cơ sở hoạt động chưa tốt sẽ bị áp lực cơ quan quản lý luôn “để mắt tới”, buộc họ phải có hành động cải tiến chất lượng. Việt Nam cần nghiên cứu, áp dụng phương pháp tiếp cận này để đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về GDNN.

   Thứ ba, yếu tố bắt buộc cần có trong hệ thống đảm bảo chất lượng GDNN quốc gia là hệ thống cơ sở thông tin, dữ liệu kết nối từ các cơ sở GDNN với cơ quan quản lý. Hệ thống này luôn song hành với phương pháp tiếp cận dựa trên rủi ro nêu trên. Với hệ thống thông tin dữ liệu kết nối này, cơ quan đảm bảo chất lượng có thể giảm bớt thủ tục hành chính cho cơ sở GDNN mà vẫn đảm bảo luôn theo dõi, đánh giá được hoạt động của các cơ sở GDNN. Cơ sở thông tin, dữ liệu này phục vụ các quy trình, thủ tục đảm bảo chất lượng khác nhau. Úc đã quy định 1 trong những điều kiện đăng ký hoạt động với cơ sở GDNN là đảm bảo về cung cấp thông tin, dữ liệu cho cơ quan quản lý và quy định cụ thể các thông tin cơ sở dữ liệu phải gửi cho cơ quan quản lý. Úc không yêu cầu các cơ sở GDNN phải đăng ký hoạt động bổ sung khi số sinh viên tăng lên như ở Việt Nam[5] mà chỉ sử dụng thông tin cơ sở GDNN cung cấp hàng năm về số sinh viên và về hoạt động đào tạo để kiểm soát chất lượng cơ sở GDNN. Bên cạnh đó, Úc còn có thủ tục gia hạn đăng ký để đảm bảo theo dõi, kiểm soát chất lượng khóa đào tạo sau khi đăng ký ban đầu. Tương tự, Ofsted Anh quy định các cơ sở GDNN hàng năm gửi báo cáo về các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động (key performance indicators – KPIs) để theo dõi, quản lý. Có thể thấy, hệ thống cơ sở thông tin, dữ liệu kết nối này đảm bảo trách nhiệm “giải trình” của cơ sở đào tạo trong khi cơ sở đào tạo được giao nhiều quyền tự chủ trong hoạt động.

 Thứ tư, tránh sử dụng cách tiếp cận “một phương pháp cho tất cả” trong các quy trình, thủ tục đảm bảo chất lượng GDNN. Úc quy định một bộ tiêu chuẩn chất lượng cho cơ sở GDNN nhưng việc sử dụng để đánh giá với từng cơ sở GDNN không giống nhau vì có tính đến yếu tố bối cảnh hay điều kiện thực tế. Úc cũng xác định thủ tục, biện pháp kiểm soát chất lượng khác nhau với cơ sở GDNN căn cứ mức độ rủi ro của từng cơ sở. Chẳng hạn, Úc sẽ xử lý thủ tục đăng ký thay đổi phạm vi của cơ sở đào tạo đơn giản hơn với cơ sở đào tạo ít rủi ro, nhưng sẽ chặt chẽ hơn với đơn vị mới thành lập hoặc kết quả hoạt động có rủi ro. Tương tự, kết quả đánh giá cơ sở đào tạo sau khi đăng ký hoạt động ở Anh và New Zealand chia thành 4 mức độ khác nhau và tương ứng sẽ áp dụng các chính sách cụ thể khác nhau. 3 quốc gia này đều quy định chế tài hay điều kiện ràng buộc cụ thể với cơ sở GDNN có kết quả đánh giá không tốt.

– Thứ năm, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, kiểm soát chất lượng GDNN để giảm “gánh nặng về giấy tờ, thủ tục” khi đánh giá chất lượng đồng thời cần nâng cao năng lực cán bộ làm công tác về đảm bảo chất lượng GDNN. Mặc dù vấn đề cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đảm bảo chất lượng GDNN tại Việt Nam đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận trong thời gian qua, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều việc phải làm về vấn đề này. Úc đã quy định xử lý hầu như toàn bộ thủ tục với cơ sở GDNN bằng hình thức trực tuyến, và quản lý theo dõi cơ sở GDNN qua hệ thống phần mềm quản lý dữ liệu. Quốc gia này đã tập trung vào đánh giá minh chứng phản ánh thực tế chất lượng thay vì minh chứng bằng văn bản, giấy tờ. Điều này đi đôi với yêu cầu về tiêu chuẩn đạo đức và năng lực chuyên môn của người đánh giá, kiểm soát chất lượng GDNN.

– Thứ sáu, cần nghiên cứu về việc công nhận bản quyền với chương trình đào tạo mới. Úc có thủ tục công nhận chương trình đào tạo và tổ chức có chương trình đào tạo được công nhận sẽ nắm bản quyền chương trình đào tạo. Việc công nhận bản quyền về chương trình đào tạo mới có ý nghĩa khuyến khích, thúc đẩy sự tham gia của xã hội xây dựng chương trình đào tạo mới để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

– Thứ bảy, cần nghiên cứu về chủ thể được trao quyền đánh giá, kiểm soát chất lượng cơ sở đào tạo và công bố cho xã hội biết kết quả đánh giá. Không chỉ Úc mà cả ở Anh và New Zealand cơ quan nhà nước đảm nhận nhiệm vụ này, không giao cho tư nhân thực hiện. ASQA của Úc hay cơ quan thanh tra chất lượng GDNN của Anh là Ofsted độc lập về chuyên môn, không báo cáo Bộ Giáo dục mà báo cáo trực tiếp với Nghị viện. Đây là điểm Việt Nam cần nghiên cứu, tham khảo vì Việt Nam đang có nhiều điểm khác biệt so với 3 nước nêu trên, trong đó có vấn đề Luật GDNN cho phép tổ chức kiểm định chất lượng GDNN do tổ chức, cá nhân thành lập).

Rõ ràng, để giải bài toán “tổng thể” về nâng cao hiệu quả hệ thống đảm bảo chất lượng GDNN Việt Nam, việc nghiên cứu, rà soát chỉnh sửa những quy định liên quan đến đảm bảo chất lượng GDNN cần bao gồm cả quy định trong Luật GDNN và các văn bản hướng dẫn Luật. Hoàn thiện hệ thống đảm bảo chất lượng cũng cần được xác định là một giải pháp đột phá trong Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021-2030 để tập trung nguồn lực, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác kiểm soát và đảm bảo chất lượng GDNN.

   Phạm Thị Minh Hiền

                               Vụ Đào tạo chính quy – Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp

(Bài viết đã được đăng trên Tạp chí Giáo dục nghề nghiệp ISSN 2354 -0583 số 88 – tháng 1/2021)

Tài liệu tham khảo

  1. IIEP (2010a), External quality assurance: options for higher education managers, Module 1Making basic choices for external quality assurance systems, Retrieved fromhttp://www.iiep.unesco.org/fileadmin/user_upload/Cap_Dev_Training/Training_Materials/HigherEd/EQA_HE_1.pdf
  2. INQAAHE (2013), Statement on EQA, Retrieved fromhttp://www.inqaahe.org/admin/files/assets/subsites/1/documenten/1236866920_statement-on-eqa.pdf
  3. https://www.asqa.gov.au/
  4. https://www.nzqa.govt.nz/
  5. https://www.gov.uk/
  6. https://www.gov.uk/government/organisations/ofsted
  7. https://www.gov.uk/government/organisations/ofqual

[1] Úc có 6 bang và 2 vùng tự trị, và khoảng 700 chính quyền địa phương                                                 

[2] Số liệu tại tài liệu Back to Basics 2018 (Úc)

[3] Trên giấy chứng nhận ghi “phạm vi hoạt động liệt kê tại website có tên là Đăng ký quốc gia (National Register) (training.gov.au), khi truy cập website này sẽ thấy danh mục chương trình đào tạo nghề cơ sở đào tạo được phép triển khai thực hiện theo từng địa điểm đào tạo.

[4] Gói đào tạo bao gồm các bậc trình độ được công nhận ở phạm vi quốc gia cần thiết cho các nghề cụ thể,mô tả kiến thức kỹ năng mà cá nhân thực hiện hiệu quả tại nơi làm việc, là cơ sở để các cơ sở ĐT xây dựng chương trình đào tạo. Gói đào tạo được đăng tải công khai để các cơ sở đào tạo khai thác, sử dụng.

[5] Việt Nam quy định tăng quy mô tuyển sinh của từng ngành, nghề đào tạo vượt từ 10% trở lên so với quy mô được cấp trong giấy chứng nhận đăng ký hoạt động GDNN thì phải đăng ký bổ sung

Nguồn: http://gdnn.gov.vn/AIAdmin/News/View/tabid/66/newsid/38459/seo/HE-THONG-DAM-BAO-CHAT-LUONG-GIAO-DUC-NGHE-NGHIEP-CUA-UC-VA-CAC-KHUYEN-NGHI-CHINH-SACH-DOI-VOI-VIET-NAM/Default.aspx

các bài mới hơn

các bài cũ hơn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *