Công văn số 4359/BLÐTBXH-TCGDNN tới các đơn vị về việc xin ý kiến góp ý dự thảo Thông tư ban hành Quy định về đào tạo trình độ Sơ cấp và Quy định về đào tạo thường xuyên

Ngày 18/09/2024, Tổng cục GDNN đã gửi Công văn số 4359/BLÐTBXH-TCGDNN tới các đơn vị về việc xin ý kiến góp ý dự thảo Thông tư ban hành Quy định về đào tạo trình độ Sơ cấp và Quy định về đào tạo thường xuyên.

Cụ thể, Dự thảo Thông tư quy định về đào tạo thường xuyên sẽ quy định khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp; quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo; quy định việc tổ chức biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng giáo trình; Quy định việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh và ban hành quy chế tuyển sinh đào tạo; Quy định việc tổ chức thực hiện chương trình đào tạo theo niên chế hoặc theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ; Quy định về quy chế kiểm tra, thi, xét công nhận tốt nghiệp; quy định mẫu chứng chỉ sơ cấp, việc in, quản lý, cấp phát, thu hồi, hủy bỏ chứng chỉ sơ cấp.

Dự kiến đối với quy định về khối lượng kiến thức tối thiểu đối với trình độ sơ cấp sẽ được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội như sau:

– Khối lượng kiến thức tối thiểu đối với trình độ sơ cấp là số tín chỉ bắt buộc mà người học phải đạt được sau khi tốt nghiệp trình độ sơ cấp.

Một tín chỉ được quy định tối thiểu bằng 15 giờ học lý thuyết; hoặc bằng 30 giờ thực hành, thí nghiệm, thảo luận. Thời gian người học tự học, tự chuẩn bị có hướng dẫn là cần thiết trong quá trình học tập để người học có thể tiếp thu được kiến thức, kỹ năng của nghề nhưng không được tính trong chương trình đào tạo.

– Khối lượng học tập tối thiểu đối với trình độ sơ cấp tối thiểu là 05 tín chỉ. Thời gian đào tạo trình độ sơ cấp được thực hiện từ 03 tháng đến dưới 01 năm học nhưng phải bảo đảm thời gian thực học tối thiểu là 300 giờ học đối với người có trình độ học vấn phù hợp với nghề cần học.

– Khối lượng học tập lý thuyết và học tập thực hành tùy theo từng ngành, nghề đào tạo phải đảm bảo tỷ lệ: lý thuyết chiếm tối đa 25%; thực hành chiếm tối thiểu 75%.

Hiện hành tại Điều 4 Thông tư 42/2015/TT-BLĐTBXH, khối lượng kiến thức, kỹ năng tối thiểu đối với trình độ sơ cấp là 03 (ba) mô – đun đào tạo, với thời gian thực học tối thiểu là 300 giờ, được thực hiện từ 03 (ba) tháng đến dưới 01 (một) năm học.

Về đối tượng tuyển sinh đào tạo trình độ sơ cấp, dự kiến sẽ được thay đổi như sau:

“Đối tượng tuyển sinh là người từ đủ 15 (mười lăm) tuổi trở lên, có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp với nghề cần học. Đối với các ngành, nghề đặc thù trong danh mục do Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch ban hành sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội được tuyển sinh đối với người dưới 15 (mười lăm) tuổi.”

Đối với Dự thảo Thông tư quy định về đào tạo thường xuyên, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ đề xuất nội dung quy định về Chương trình đào tạo thường xuyên như sau:

– Chương trình đào tạo thường xuyên phải bảo đảm tính thiết thực, giúp người học có năng lực thực hiện được các công việc của nghề học, nâng cao khả năng lao động, tăng năng suất lao động hoặc chuyển đổi nghề nghiệp.

– Nội dung chương trình đào tạo thường xuyên bao gồm:

+ Nội dung kiến thức thực tế và kiến thức lý thuyết.

+ Nội dung về các kỹ năng nhận thức, kỹ năng thực hành nghề nghiệp và kỹ năng giao tiếp, ứng xử;

+ Mức độ tự chủ và tự chịu trách nhiệm cá nhân trong việc áp dụng kiến thức, kỹ năng để thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn.

– Khối lượng học tập tối thiểu: Chương trình đào tạo thường xuyên đảm bảo số tín chỉ tối đa là 05 tín chỉ; thời gian trong chương trình đào tạo dưới 300 giờ; thời gian thực học linh hoạt theo thời gian thực tế của người học.

– Cấu trúc, nội dung chương trình đào tạo thường xuyên phải bao gồm các yếu tố:

+ Tên chương trình đào tạo hoặc các kỹ năng nghề đạt được;

+ Mục tiêu chương trình đào tạo;

+ Đối tượng tuyển sinh;

+ Khối lượng kiến thức, kỹ năng nghề, các kỹ năng cần thiết khác và yêu cầu năng lực thực hiện nghề của người học đạt được sau khi hoàn thành chương trình đào tạo;

+ Thời gian đào tạo: Bao gồm tổng thời gian thực hiện và thời gian cho các hoạt động (giảng dạy, thực hành, thực tập, kiểm tra);

+ Quy trình đào tạo, điều kiện hoàn thành khóa học;

+ Phương pháp và thang điểm đánh giá.

– Người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp; tổ chức, cá nhân thành lập lớp đào tạo để tổ chức đào tạo thường xuyên tự chủ, tự chịu trách nhiệm tổ chức xây dựng hoặc tổ chức lựa chọn chương trình đào tạo để phê duyệt và đưa vào tổ chức đào tạo.

Cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp; tổ chức, cá nhân thành lập lớp đào tạo để tổ chức đào tạo thường xuyên phải công khai các chương trình đào tạo thường xuyên của cơ sở mình tại cơ sở đào tạo, địa điểm đào tạo và trong thông báo tuyển sinh hoặc trên Website của cơ sở đào tạo hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Nội dung công khai, gồm: tên chương trình đào tạo hoặc các kỹ năng nghề đạt được, đối tượng tuyển sinh, thời gian tuyển sinh, mục tiêu và nội dung đào tạo, thời gian đào tạo, địa điểm đào tạo, chứng chỉ đào tạo, mức học phí phải nộp, các chính sách hỗ trợ (nếu có).

Đối với tuyển sinh đào tạo thường xuyên, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất đối tượng tuyển sinh là người từ đủ 15 (mười lăm) tuổi trở lên, có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp với nghề cần học.

Đối với các ngành, nghề đặc thù trong danh mục do Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch ban hành sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội được tuyển sinh đối với người dưới 15 (mười lăm) tuổi.

Trường hợp học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động thì người học nghề, người tập nghề phải đủ 14 tuổi trở lên và phải có đủ sức khỏe phù hợp với yêu cầu học nghề, tập nghề. Người học nghề, người tập nghề thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành phải từ đủ 18 tuổi trở lên, trừ lĩnh vực nghệ thuật, thể dục, thể thao.

Hình thức tuyển sinh: xét tuyển và được thực hiện nhiều lần trong năm.

Hồ sơ, thủ tục tuyển sinh do người đứng đầu cơ sở đào tạo quy định.

các bài mới hơn

các bài cũ hơn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *