Thủ tướng ra chỉ thị đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ LĐ-TB&XH đề xuất thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở.
Đó là một trong những nội dung của Chỉ thị 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 về việc đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới vừa được Thủ tướng ban hành.

Để tranh thủ thời cơ dân số vàng, đẩy mạnh nhân lực có kỹ năng nghề, nhất là nhân lực có tay nghề cao nhằm nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam, góp phần nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện một số nội dung.

Theo đó, tiếp tục triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề. Tăng cường chuyển đổi số và đào tạo trực tuyến, chú trọng đào tạo lại và đào tạo thường xuyên lực lượng lao động để tạo chuyển biến mạnh về quy mô, chất lượng và hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp.

Bảo đảm người học có kỹ năng chuyên môn, kỹ năng số, kỹ năng mềm, khởi nghiệp và ngoại ngữ,… thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động.

Phấn đấu đến năm 2030, giáo dục nghề nghiệp Việt Nam tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4, đến năm 2045 tiếp cận trình độ các nước G20.

Thủ tướng ra chỉ thị đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề.

Làm tốt công tác dự báo nhu cầu xây dựng và cập nhật dữ liệu mở về lao động có kỹ năng nghề theo từng lĩnh vực, ngành nghề, trình độ đào tạo, nhất là những ngành nghề, kỹ năng mới và cập nhật dữ liệu theo định kỳ. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc kết nối cung – cầu để nâng cao hiệu quả đào tạo và sử dụng lao động, bao gồm cả lao động đã đi làm việc ở nước ngoài trở về nước để phát huy các thế mạnh của họ trong lao động, sản xuất và nâng cao thu nhập gắn với việc làm bền vững.

Chỉ đạo rà soát, tổ chức, sắp xếp lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo mục tiêu đề ra trong Nghị quyết của Trung ương và Chính phủ. Nhanh chóng ổn định tổ chức, đa dạng hóa nguồn lực đầu tư, bảo đảm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sau khi được tổ chức, sắp xếp lại; thúc đẩy phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp có năng lực tự chủ và hoạt động hiệu quả.

Tăng cường gắn kết chặt chẽ 3 “Nhà”: Nhà nước – Nhà trường – Nhà doanh nghiệp trong các hoạt động giáo dục nghề nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp công nhận, tuyển dụng, sử dụng, trả tiền lương, tiền công cho người lao động dựa trên kỹ năng và năng lực hành nghề; tuyển dụng, sử dụng người lao động đã qua đào tạo hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia theo quy định.

Ưu tiên phân bổ ngân sách cho giáo dục nghề nghiệp

Tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế đa phương, song phương trong giáo dục nghề nghiệp như: liên kết đào tạo; nghiên cứu khoa học; trao đổi học thuật… Tạo môi trường thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài mở cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao tại Việt Nam.

Chú trọng nội dung phát triển giáo dục nghề nghiệp, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề trong các kế hoạch, chương trình, đề án, dự án phát triển ngành, địa phương; ưu tiên phân bổ ngân sách cho giáo dục nghề nghiệp trong tổng chi ngân sách nhà nước dành cho giáo dục, đào tạo và trong các chương trình, dự án của ngành, địa phương; chủ động thu hút và ưu tiên sử dụng vốn ODA theo quy định của pháp luật để đầu tư cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nhất là các trường chất lượng cao theo quy hoạch và các ngành, nghề trọng điểm đã được phê duyệt.

Đề xuất thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành hệ thống quản lý và đánh giá kỹ năng nghề; xây dựng đề án chuyển đổi số và dạy học trực tuyến trong giáo dục nghề nghiệp, đề án phát triển kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho lực lượng lao động.

Tăng cường năng lực hệ thống đánh giá, công nhận và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; thúc đẩy mạnh phong trào thi kỹ năng nghề ở các cấp; nghiên cứu, thí điểm thành lập hội đồng kỹ năng ngành hoặc nghề.

Đề xuất thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở; tiếp tục triển khai các chương trình chuyển giao từ nước ngoài có hiệu quả để nhân rộng trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp;…

Đề xuất “Ngày kỹ năng lao động Việt Nam”, giải thưởng quốc gia dành cho người học tiêu biểu trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp,…

Ngoài ra, Chỉ thị cũng đưa ra các nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành khác và các UBND tỉnh, thành trực thuộc TƯ.

Thanh Hùng/Vietnamnet.vn

các bài mới hơn

các bài cũ hơn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *