Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ- TB&XH), năm 2020, dù chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng lĩnh vực GDNN đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Cụ thể, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. Cũng trong năm 2020, lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ quyết định chọn ngày Kỹ năng Lao động Việt Nam là ngày 4/10 hàng năm để tôn vinh và lan tỏa giá trị của lao động có kỹ năng nghề, phát triển GDNN.

Đào tạo kỹ năng nghề tại Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama2

(Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Lilama 2).  

Đáng chú ý, các nút thắt về phân luồng học sinh từ trung học cơ sở được tháo gỡ, làm thay đổi căn bản nhận thức của xã hội về GDNN.

Đồng thời tiếp tục triển khai đào tạo thí điểm cho khoảng 1.037 sinh viên trình độ cao đẳng theo 22 bộ chương trình chuyển giao từ CHLB Đức (sinh viên tốt nghiệp được cấp 02 bằng: bằng cao đẳng của Việt Nam và bằng của Đức); hoàn thành thí điểm đào tạo chương trình chuyển giao từ Úc. Triển khai chương trình đào tạo liên thông chất lượng cao từ trung cấp lên cao đẳng đối với đối tượng tốt nghiệp trung học cơ sở, góp phần đẩy mạnh phân luồng và nâng cao chất lượng tuyển sinh.

Các cơ sở GDNN đã áp dụng linh hoạt và đa dạng các phương pháp giảng dạy nhằm phát huy cao nhất tính tích cực, chủ động và năng lực tư duy, sáng tạo của người học. Ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động của cơ sở GDNN được đẩy mạnh và đem lại kết quả tích cực. Nhiều cơ sở GDNN đã thực hiện chuyển hướng tuyển sinh, đào tạo và quản lý kết quả đào tạo trực tuyến nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người học. Đặc biệt, nhiều mô hình, cách làm mới mang tính đột phá đã được triển khai như: mô hình đào tạo liên thông từ trung cấp lên cao đẳng đối với học sinh tốt nghiệp THCS, mô hình đào tạo chất lượng cao theo chương trình chuyển giao của nước ngoài; tuyển sinh gắn với tuyển dụng; hội đồng kỹ năng ngành; đại sứ nghề…

Hoạt động hợp tác giữa cơ sở GDNN và doanh nghiệp được tăng cường.

Với những nỗ lực trên, năm 2020 cả nước tuyển sinh khoảng 2,28 triệu người, đạt 100,9% kế hoạch. Tốt nghiệp theo các trình độ đào tạo khoảng 2,19 triệu người, đạt mục tiêu đề ra.

Cùng với đó, mạng lưới các cơ sở GDNN tiếp tục được rà soát, sắp xếp theo lộ trình, tính đến nay cả nước có 1.911 cơ sở GDNN (408 trường cao đẳng, 446 trường trung cấp và 1.057 trung tâm GDNN), trong đó có 686 cơ sở GDNN tư thục và có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 35,8%).

8 nhiệm vụ và giải pháp của giáo dục nghề nghiệp trong năm 2021

Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Trương Anh Dũng nhấn mạnh, năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, năm đầu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030.

Trước yêu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực trực tiếp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của thị trường lao động trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, xã hội số, dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các Hiệp định thương mại thế hệ mới, dịch bệnh COVID-19 và xu thế dịch chuyển nhân lực trên thị trường lao động quốc tế; Tổng cục GDNN xác định phương châm hành động của năm 2021 là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, phát triển”.

 Trong cuộc họp giao ban bàn về nhiệm vụ, kế hoạch triển khai năm 2021 mới đây, Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng yêu cầu tập trung nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, gắn kết công tác đào tạo với thị trường lao động, việc làm bền vững, an sinh xã hội, trong đó chú trọng 8 nhiệm vụ.

Trước hết, chủ động, linh hoạt thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” của Chính phủ, vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội trong trạng thái bình thường mới. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền nâng cao ý thức trong toàn hệ thống GDNN về phòng, chống dịch COVID-19, tuyệt đối không chủ quan, mất cảnh giác với các nguy cơ dịch bệnh; sẵn sàng ứng phó, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 khi có yêu cầu.

Tập trung hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, đổi mới cơ chế, chính sách phát triển GDNN; ưu tiên xây dựng, trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về đổi mới, phát triển giáo dục nghề nghiệp trong tình hình mới. Triển khai thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và trình phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, phân luồng, liên thông đào tạo nhằm phát triển quy mô đào tạo. Tiếp tục thực hiện các giải pháp đột phá mạnh mẽ, phát triển và đổi mới giáo dục nghề nghiệp; trọng tâm là hiện đại hóa, thực hiện chuyển đổi số và đổi mới phương thức đào tạo, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý các cấp; chú trọng nâng cao chất lượng đầu ra. Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng cho học sinh, sinh viên. Tăng cường việc hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp, gắn đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động.

Tăng cường đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đào tạo thường xuyên và đào tạo lại cho người lao động, nhất là đào tạo các kỹ năng làm việc, tính kỷ luật, tác phong công nghiệp. Các tỉnh, thành phố căn cứ Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28 tháng 9 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng, chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí để thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn và các đối tượng chính sách khác.

 Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính, thực hiện chuyển đổi số trong GDNN. Xây dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ hoạt động dạy và học ngoại ngữ; đẩy mạnh triển khai tự chủ của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; thúc đẩy nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; thu hút đầu tư, hợp tác quốc tế trong đào tạo chất lượng cao.

Nâng cao năng lực, tạo bước chuyển biến về chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý. Đẩy mạnh công tác phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan.

Tổ chức triển khai thực hiện tốt các sự kiện trong năm như: Hội giảng nhà giáo GDNN; Lễ tuyên dương học sinh xuất sắc, tiêu biểu; khởi nghiệp. Tổ chức thi kỹ năng nghề quốc gia phải gắn với ngày kỹ năng lao động Việt Nam 04/10 để tạo thành chuỗi hoạt động, lan tỏa giá trị của kỹ năng nghề nói riêng và giáo dục nghề nghiệp nói chung.

Tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm nâng xếp hạng chỉ số Chất lượng đào tạo nghề theo chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng cũng yêu cầu thực hiện nghiêm Quy định số 08-QĐ/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên ngay sau khi kỳ nghỉ Tết, các đơn vị tập trung vào công việc, khẩn trương triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2021./.

Nguồn: https://dangcongsan.vn/xa-hoi/nang-cao-chat-luong-giao-duc-nghe-nghiep-574856.html