Nâng cao hiệu quả kiểm định chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại Hội nghị.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại Hội nghị

Đây là một trong những nhiệm vụ được đặt ra nhằm thực hiện có hiệu quả công tác KĐCLGD và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia trong thời gian tới theo chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ tại Hội nghị sơ kết công tác KĐCL cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và thường xuyên giai đoạn 2015 – 2020.

Những thành tựu quan trọng của công tác KĐCLGD

Bộ GD&ĐT ban hành thông báo số 1697/TB-BGDĐT, truyền đạt kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ tại Hội nghị sơ kết công tác KĐCL cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và thường xuyên giai đoạn 2015 – 2020.

Trong đó có nhận định: ở Việt Nam, sau hơn 10 năm xây dựng và phát triển, nhất là trong giai đoạn 2015 – 2020, công tác KĐCL cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và thường xuyên đã đạt được những thành tựu quan trọng.

Việt Nam đã tham khảo kinh nghiệm về bảo đảm và KĐCLGD của các nước trên thế giới, đồng thời cũng lựa chọn hướng đi cho riêng mình để phù hợp với thực tế.

Đến ngày 20/7/2020, số cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và thường xuyên tự đánh giá đạt 96,00%, đánh giá ngoài đạt 58,70% (24.984 trường).

Thông qua công tác này, các cấp quản lý giáo dục, các nhà trường được tiếp cận với mô hình quản lý hiện đại, tiên tiến. Qua thực hiện KĐCLGD, các nhà trường đã xây dựng kế hoạch cải tiến chất lượng sát thực, hiệu quả hơn.

Những kết quả nổi bật của công tác KĐCL cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và thường xuyên trong thời gian qua như:

Đã xây dựng, ban hành được hệ thống văn bản để triển khai hoạt động KĐCLGD. Đặc biệt, năm học 2018 – 2019, Bộ GD&ĐT đã ban hành các Thông tư tích hợp quy định về KĐCLGD và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia.

Việc thống nhất một bộ tiêu chuẩn đánh giá, một quy trình đánh giá đã tạo nhiều thuận lợi cho các cơ sở giáo dục thực hiện cùng một lúc hai hoạt động, góp phần làm giảm các thủ tục hành chính trong công tác quản lý, giảm công sức, thời gian và chi phí khi triển khai thực hiện công tác KĐCLGD và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia.

Tất cả các sở GD&ĐT đã có đơn vị (cấp phòng) hoặc bộ phận chuyên trách (thuộc các phòng chức năng) về bảo đảm và KĐCLGD; các phòng GD&ĐT đã có cán bộ quản lý, chuyên viên kiêm nhiệm về công tác này. Đội ngũ làm công tác bảo đảm và KĐCLGD ngày càng được tăng cường. Xét trên quy mô cả nước, đội ngũ này cơ bản đáp ứng được nhiệm vụ tư vấn, hỗ trợ hoạt động tự đánh giá và thực hiện đánh giá ngoài tại nhiều địa phương.

Việc ứng dụng CNTT để hỗ trợ công tác quản lý hoạt động bảo đảm và KĐCLGD đã được nhiều địa phương quan tâm, thực hiện hiệu quả.

Công tác KĐCLGD đã được triển khai rộng khắp trên cả nước. Nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh đối với công tác bảo đảm và KĐCLGD mầm non, phổ thông, thường xuyên đã có chuyển biến tích cực…

Tuy nhiên, trong thời gian qua, công tác bảo đảm và KĐCLGD mầm non, phổ thông và thường xuyên cũng gặp không ít khó khăn, bất cập. Trong đó, còn tình trạng đánh giá không đồng đều giữa một số đoàn đánh giá ngoài trong tỉnh, cũng như giữa các tỉnh với nhau.

Nội dung chi, mức chi được quy định tại Thông tư liên tịch số 125/2014/TTLT-BTC-BGDĐT có những bất cập. Một bộ phận cán bộ quản lý (nhất là quản lý cơ sở giáo dục) chưa nhận thức đầy đủ và quan tâm đúng mức về công tác KĐCLGD. Đội ngũ làm công tác bảo đảm và KĐCLGD của một số sở GD&ĐT còn thiếu và luôn có sự thay đổi đã ảnh hưởng không tốt đến việc chỉ đạo thực hiện công tác bảo đảm và KĐCLGD.

Chất lượng tập huấn tự đánh giá tại một số địa phương còn mang tính hình thức, chưa đạt hiệu quả cao. Một số cơ sở giáo dục chưa đầu tư nhiều công sức, thời gian và chưa thực hiện đúng quy trình tự đánh giá theo quy định, làm ảnh hưởng đến chất lượng báo cáo tự đánh giá. Nhiều trường ở các vùng khó khăn đã hoàn thành tự đánh giá, nhưng chưa đăng ký đánh giá ngoài do cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đáp ứng được yêu cầu…

Hội nghị sơ kết công tác KĐCL cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và thường xuyên giai đoạn 2015 – 2020

Những nhiệm vụ quan trọng

Để thực hiện hiệu quả công tác KĐCLGD và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia, Thứ trưởng yêu cầu trong thời gian tới cần tiếp tục nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn để xây dựng, hoàn thiện mô hình bảo đảm và KĐCLGD mầm non, phổ thông, thường xuyên phù hợp hơn với thực tiễn của Việt Nam, hội nhập với khu vực, quốc tế giai đoạn sau năm 2020.

Tiếp tục chỉ đạo thực hiện hoạt động tự đánh giá đúng quy trình, trong đó chú trọng xây dựng và thực hiện kế hoạch cải tiến chất lượng phù hợp, khả thi; chỉ đạo việc triển khai hoạt động đánh giá ngoài với mục đích chính là tư vấn, hỗ trợ các nhà trường xây dựng kế hoạch cải tiến chất lượng.

Tiếp tục chú trọng phát triển đội ngũ có chất lượng cao để triển khai các hoạt động bảo đảm và KĐCLGD mầm non, phổ thông và thường xuyên.

Với Bộ GD&ĐT, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với tình hình mới. Tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính ưu tiên ban hành thông tư mới thay thế Thông tư liên tịch số 125/2014/TTLT-BTC- BGDĐT. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, hỗ trợ các địa phương thực hiện công tác KĐCLGD và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. Chỉ đạo, hỗ trợ các địa phương phát triển đội ngũ có chất lượng làm công tác bảo đảm và KĐCLGD. Tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác bảo đảm và KĐCLGD. Nghiên cứu, xây dựng Đề án hình thành tổ chức KĐCLGD mầm non, phổ thông và thường xuyên (sau năm 2021).

Đối với sở GD&ĐT: Làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương và xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện công tác bảo đảm và KĐCLGD. Tăng cường hướng dẫn, tư vấn, giám sát, kiểm tra nhằm nâng cao chất lượng các hoạt động tự đánh giá và đánh giá ngoài. Tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, giáo viên.

Các Sở GD&ĐT cũng cần tăng cường ứng dụng CNTT vào triển khai công tác bảo đảm và KĐCLGD với các cấp học. Chú trọng tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ về bảo đảm và KĐCLGD. Khuyến khích tổ chức các đoàn tham quan, khảo sát nhằm trao đổi, học tập kinh nghiệm về KĐCLGD và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia giữa các địa phương. Định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm và chế độ báo cáo theo quy định. Khuyến khích địa phương có đủ điều kiện về mọi mặt, phấn đấu xây dựng một số cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông đạt KĐCLGD cấp độ 4 – cấp độ cao nhất theo quy định tại Thông tư số 17/2018/TT- BGDĐT, 18/2018/TT-BGDDT và 19/2018/TT-BGDĐT.

Đối với phòng GD&ĐT: Xây dựng kế hoạch KĐCLGD và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia; hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra các trường trực thuộc thực hiện KĐCLGD và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia theo quy định. Giám sát các trường trực thuộc thực hiện hoạt động tự đánh giá đúng quy định. Giám sát việc thực hiện kế hoạch cải tiến chất lượng của các nhà trường. Định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm và thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.

Với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và thường xuyên, Thứ trưởng yêu cầu cần thực hiện tự đánh giá và đăng ký đánh giá ngoài theo quy định. Cam kết thực hiện kế hoạch cải tiến chất lượng đã đề ra trong báo cáo tự đánh giá, các khuyến nghị của đoàn đánh giá ngoài. Hằng năm, báo cáo kết quả thực hiện cải tiến chất lượng đối với cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp. Phát huy kết quả KĐCLGD và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục.

các bài mới hơn

các bài cũ hơn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *