Nâng tầm kỹ năng lao động trẻ

Ngày 14/7, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) và Bộ Ngoại giao phối hợp với các tổ chức quốc tế tổ chức Diễn đàn quốc tế về “Tương lai việc làm trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và cách mạng công nghiệp 4.0 – Phát triển kỹ năng thiết yếu cho thanh niên Việt Nam”.

Các đại biểu tham dự diễn đàn chụp ảnh lưu niệm với các đại sứ nghề mới được bổ nhiệm.

Những tín hiệu vui

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, trong những năm qua, đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, đặc biệt cho thanh niên luôn được Đảng, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam quan tâm chỉ đạo. Chất lượng GDNN bước đầu có những chuyển biến tích cực, được ghi nhận. Nhận thức của người dân, cộng đồng doanh nghiệp và xã hội về đào tạo nghề và phát triển kỹ năng cho người lao động dần dần được cải thiện.

Tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp các cơ sở GDNN có việc làm hoặc tự tạo việc làm đạt bình quân khoảng 80%, có nhiều ngành, nghề đạt 100%; qua các kỳ thi kỹ năng nghề ASEAN, châu Á và Thế giới dành cho các bạn trẻ dưới 25 tuổi, thành tích của học sinh, sinh viên Việt Nam đã có những tiến bộ rõ rệt, đã giành nhiều huy chương và chứng chỉ xuất sắc.

Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu tại Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2019, chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam đã được cải thiện ở mức độ tốt nhất thế giới từ vị trí 77 lên vị trí 67/141 nền kinh tế trên thế giới. Đáng chú ý, trong số 12 trụ cột và 103 tiêu chí của chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu, trụ cột về kỹ năng tăng 4 bậc, đặc biệt tiêu chí về chất lượng đào tạo nghề tăng 13 bậc. Năng suất lao động Việt Nam trong nhiều năm qua có tốc độ tăng cao trong khu vực ASEAN, đạt bình quân 4,77%/năm chứng tỏ trình độ kỹ năng người lao động đã từng bước được cải thiện và nâng lên. 

Lực lượng lao động trẻ là nòng cốt

Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh, Covid-19 và Cách mạng Công nghiệp 4.0 là “cú sốc kép” đối với thị trường lao động toàn cầu. Một mặt gây đứt gãy thị trường lao động, gia tăng thất nghiệp và bất bình đẳng xã hội, nhất là đối với lực lượng lao động trẻ.

Theo ILO, việc làm của thanh niên đã giảm 8,7% năm 2020 so với 3,7% ở người lớn tuổi hơn. Số người thất nghiệp dự báo vẫn ở mức cao và đến năm 2023 mới trở về mức trước đại dịch.

Mặt khác, hai cú sốc đã và đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi việc làm và kỹ năng nhằm thích ứng với những điều chỉnh mang tính cấu trúc của nền kinh tế toàn cầu. Việc làm bị mất đi trong những ngành công nghiệp cũ đã lạc hậu dự báo sẽ được thay thế bằng việc làm mới trong những ngành kinh tế xanh, công nghiệp sáng tạo đang ngày càng phát triển.

Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), đến 2025 có 85 triệu việc làm trên toàn cầu sẽ bị xóa bỏ, nhưng đồng thời có 97 triệu việc làm mới được tạo ra. Theo đó, để đáp ứng yêu cầu của thế giới việc làm mới, ước tính khoảng 50% lao động cần được đào tạo lại và đào tạo nâng cao về kỹ năng (reskilling và upskilling).

Trong bối cảnh đó, Thứ trưởng cho rằng, lực lượng lao động trẻ đứng trước cả cơ hội và thách thức trong thế giới việc làm đang biến chuyển mạnh mẽ.

Chia sẻ quan điểm này, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho rằng để duy trì và nâng cao tốc tộ tăng trưởng kinh tế, Việt Nam buộc phải đẩy nhanh tốc độ tăng năng suất lao động, coi đây là đòn bẩy kinh tế then chốt, là nhân tố chủ đạo hình thành lợi thế cạnh tranh quốc gia.

“Tăng năng suất lao động trong giai đoạn tới đây phải dựa chủ yếu vào nhân tố đổi mới sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ mới, nhưng muốn đổi mới, sáng tạo, thì phải quan tâm phát triển nguồn nhân lực nói chung, nhất là phát triển kỹ năng nghề nghiệp của người lao động, đặc biệt là lao động trẻ” – Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhấn mạnh.

Lực lượng lao động Việt Nam hiện nay là 51,0 triệu người, chiếm 55,4% dân số; trong đó lao động thanh niên cần được đặc biệt quan tâm đào tạo và phát triển nâng tầm kỹ năng. Do đó, để đạt được các mục tiêu đề ra về phát triển nguồn nhân lực theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam giai đoạn 2021-2030, Chính phủ Việt Nam xác định cần đặc biệt quan tâm đến phát triển kỹ năng và tạo việc làm cho thanh niên trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19. 

Diễn đàn được tổ chức với mục đích Hưởng ứng ngày Kỹ năng thanh niên thế giới 15/7, thông qua đó nhằm chia sẻ các mô hình, thực tiễn tốt; kinh nghiệm trong nước và quốc tế trong việc thúc đẩy phát triển, công nhận trình độ kỹ năng nghề, nền tảng giúp người lao động là thanh niên có khả năng học tập suốt đời và thích nghi trong trong kỷ nguyên số hậu Covid-19; Đề xuất các chính sách cần thiết về nâng tầm kỹ năng lao động và tương lai việc làm cho lao động trẻ trong kỷ nguyên số hậu Covid-19; tôn vinh các điển hình tiên tiến của thanh niên Việt Nam có kỹ năng nghề đẳng cấp khu vực và thế giới; hưởng ứng ngày Kỹ năng lao động Việt Nam (4/10/2021).

Nguồn: http://daidoanket.vn/nang-tam-ky-nang-lao-dong-tre-5657743.html?fbclid=IwAR0j3H7OsT0LWm5xFYx6v6IDpsMVZZLWNZhDQBZ4JTptSMK1lGvH8BBBHZI

các bài mới hơn

các bài cũ hơn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *