Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: Đào tạo từ sơ cấp đến sau đại học, vì sao nhân lực du lịch vẫn thiếu?

Đó là những trăn trở được ông Vũ Đức Đam bày tỏ trước các sinh viên, giảng viên theo ngành du lịch và khách sạn tại TP.HCM chiều 8-9.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với giáo viên giảng dạy môn kỹ thuật chế biến món ăn tại trường

– Ảnh: TRỌNG NHÂN

Chiều 8-9, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam có chuyến thăm và động viên các sinh viên và giảng viên đang theo học và giảng dạy tại Trường trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist (TP.HCM). 

Tại đây, ông đã tham quan các phòng học thực tế ở nhiều bộ môn, từ lễ tân, buồng phòng đến F&B, kỹ thuật chế biến món ăn…

Trong phần chia sẻ thân mật với các sinh viên, Phó thủ tướng nhấn mạnh dù Việt Nam giàu thiên nhiên, văn hóa, người dân thân thiện nhưng nếu không có những sản phẩm hấp dẫn thì không đủ sức hút với du khách. Các sản phẩm này lại được tạo ra và vận hành bởi chính con người – nhân lực làm trong lĩnh vực khách sạn, du lịch.

Phó thủ tướng đặt vấn đề, nhân sự ngành du lịch ở Việt Nam đang được đào tạo theo nhiều cấp bậc, từ những khóa sơ cấp qua các chứng chỉ ngắn hạn đến cả những chương trình sau đại học, “nhưng vì sao nhân lực của chúng ta trong ngành này vẫn thiếu?”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tham quan khu vực học nghề lễ tân của Trường Saigontourist – Ảnh: TRỌNG NHÂN

Theo ông Đam, việc này có rất nhiều lý do, một trong những nguyên nhân lớn nhất là hiện tại chưa có một kế hoạch hành động thật thống nhất và xuyên suốt khuyến khích doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch tham gia đào tạo. 

Khi các doanh nghiệp mạnh tay phối hợp với các trường du lịch, sinh viên sẽ được học trong những môi trường sát với thực tế nhất, được tiếp cận với những thực tiễn và đáp ứng được nhu cầu của lao động hiện tại.

Dạy và học các ngành khách sạn – du lịch không thể “chay”. Theo ông Đam, nếu các trường được đầu tư, sinh viên sẽ có thể học trong những không gian mô phỏng nhà hàng, khách sạn theo tiêu chuẩn quốc tế ngay tại trường. Các mô phỏng này được phân ra thành những module nhỏ từ quầy lễ tân, buồng phòng đến bếp ăn…

Ngoài ra, theo ông Đam, một trong những yếu tố quan trọng trong đào tạo nhân lực du lịch là giữ chân và thu hút được những giảng viên giỏi. Trong lĩnh vực này, những giảng viên tài năng thường có rất nhiều cơ hội làm việc tại các thương hiệu quốc tế với mức lương cao. Để họ có thể tham gia dạy, các trường sẽ cần những mức đãi ngộ phù hợp.

Khu vực học bộ môn buồng phòng (khách sạn) của trường – Ảnh: TRỌNG NHÂN

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng những năm qua, du lịch Việt Nam chứng kiến những bước phát triển nhanh chóng, nhưng nếu nhìn nhận thẳng thắn thì vẫn “chưa ăn thua”. 

Ông so sánh trước dịch COVID-19, doanh thu từ du lịch của Việt Nam ở mức 19 tỉ USD, trong khi đó con số của Thái Lan là 60 tỉ USD, Singapore là 22 tỉ USD, Malaysia 20 tỉ USD…

Ông cho rằng tiềm năng du lịch của Việt Nam vẫn còn rất nhiều, nhưng để tận dụng được hiệu quả nhất thì một lần nữa phải cần đến nguồn nhân lực chất lượng.

Phó thủ tướng cho biết khi có dịp nói chuyện với nhiều đại diện các công ty du lịch quốc tế lớn, lãnh đạo những công ty này thường nói rằng điều họ cần nhất ở nhân sự Việt Nam là thái độ. Thậm chí, tiêu chí thái độ còn được nhiều công ty đánh giá cao hơn cả nghiệp vụ và tiếng Anh.

Vì vậy, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhắn nhủ đến các sinh viên rèn luyện thái độ tốt và lòng yêu nghề: “Người làm du lịch là những người hạnh phúc khi mang lại hạnh phúc cho người khác”.

 Theo tuoitre.vn

các bài mới hơn

các bài cũ hơn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *