Quan điểm, mục tiêu và các đột phá chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030

Sáng ngày 24/7/2020, tại Quảng Ninh, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã tổ chức Hội thảo quan điểm, mục tiêu, chiến lược và phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030. Tham dự Hội thảo có TS Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, đại diện lãnh đạo các Vụ, đơn vị thuộc Tổng cục; ông Huỳnh Văn Tí, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; PGS.TS Dương Đức Lân, Chủ tịch Hiệp hội giáo dục nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội Việt Nam, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp; TS Nguyễn Hồng Minh, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp; PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng; Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ông Nguyễn Hoàng Trung, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam (TKV); TS jurgen Harwigt, Giám đốc chương trình Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam; PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học sư phạm kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh; các chuyên gia, nhà khoa học và cán bộ quản lý; đại diện lãnh đạo một số trường cao đẳng, đại diện phóng viên một số cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương.

Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp nhấn mạnh một trong những cơ sở quan trọng xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp trong 10 năm tới đó là: Ban chấp hành Trung ương Đảng Ban hành Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 06/6/2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao; Ban cán sự Đảng Bộ LĐTBXH Ban hành Nghị quyết số 617-NQ/BCSĐ ngày 28/12/2018 về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN đến năm 2021 và định hướng đến năm 2030. Thủ tướng Chính phủ đã rã Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 về việc đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. Đây là những định hướng rất quan trọng để phát triển giáo dục nghề nghiệp trong thời gian tới. Chiến lược phát triển GDNN được coi là “sợi dây” xuyên suốt, làm cơ sở, làm định hướng để thúc đẩy sự phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp trong thời gian 10 năm tới. Chính phủ và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã giao Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030. Đến nay, đã có một số công việc được triển khai, và đã định hình được những nét cơ bản của Chiến lược. Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Đề án Chiến lược trình Chính phủ, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức xin ý kiến tham vấn của nhiều nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp về các vấn đề liên quan đến Chiến lược. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp mong muốn trong Hội thảo lần này, các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ quản lý trong nước và quốc tế tiếp tục có nhiều ý kiến đóng góp cho công tác xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp. Tại Hội thảo, các chuyên gia nhóm nghiên cứu xây dựng chiến lược đã trình bày những chuyên đề mang tính nghiên cứu định hướng phục vụ công tác xây dựng Chiến lược: Tiếp cận xây dựng chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp, kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị đối với Việt Nam; quan điểm, mục tiêu và các đột phá chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030; Các xu hướng dịch chuyển trong thị trường lao động và nhu cầu lao động kỹ năng ở Việt Nam. Theo các chuyên gia, trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp được cho là việc xác định định hướng phát triển giáo dục nghề nghiệp của quốc gia trong một giai đoạn nhất định, trên cơ sở kết hợp tổng thể các nguồn lực và đề ra các giải pháp các bước đi để thực hiện mục tiêu trong bối cảnh hội nhập. Việc xây dựng chiến lược được đặt ra trước các yêu cầu về tăng trưởng kinh tế cao và bền vững với khát vọng đưa Việt Nam trở thành một nền kinh tế công nghiệp hóa, hiện hóa và có thu nhập trung bình cao vào năm 2035 hoặc thu nhập cao vào năm 2045, yêu cầu từ hiện đại hóa nền kinh tế với nền công nghiệp hiện đại chiếm tỷ trọng cao và giữ vai trò chủ đạo trong tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, trong đó tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ chiếm trên 90% GDP, trên 70% lao động của nền kinh tế làm việc trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ; các yêu cầu khác từ sự biến đổi cơ cấu dân số, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế. Để đáp ứng các yêu cầu đó cần lực lượng lao động có kỹ năng tay nghề cao, có đủ năng lực tiếp thu công nghệ hiện đại tiên tiến trên thế giới. Tại Hội thảo nhiều chuyên gia, nhà khoa học và nhà quản lý đã đóp góp ý kiến các nội dung liên quan đến Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp.

PGS. TS Dương Đức Lân, Chủ tịch Hiệp hội giáo dục nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội Việt Nam cho rằng công tác xây dựng chiến lược có nhiều thuận lợi bởi hệ thống pháp lý hiện nay như Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Giáo dục sửa đổi, Bộ Luật lao động sửa đổi. Các giải pháp đưa ra cho Chiến lược phải có tính đột phá, huy động tốt các nguồn lực để thúc đẩy phát triển, thay đổi về chất đối với giáo dục nghề nghiệp. Một số nội dung được đề cập để xây dựng chiến lược như đào tạo hệ 9+, hệ trung học chuyên nghiệp, đào tạo cập nhật kỹ năng cho lao động, mô hình hội đồng kỹ năng nghề, đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp, tập nghề, trung tâm thực hành vùng, phân bổ nguồn lực theo đầu ra là những nội dung mới và cần nghiên cứu để đưa vào chiến lược.

TS Nguyễn Hồng Minh, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp nhận định công tác xây dựng chiến lược gặp khó khăn do chưa có chiến lược phát triển kinh tế xã hội, chiến lược phát triển nhân lực thời kỳ mới. Đề nghị có đánh giá cụ thể đối với gần 500 trường thuộc khối chuyên nghiệp, định hướng rõ ràng về vị trí vai trò của các trường trung cấp, hệ đào tạo trung cấp trong hệ thống, nghiên cứu mô hình đã triển khai tốt trước đây như mô hình trung học kỹ thuật, quan tâm phát triển đội ngũ nhà giáo, đào tạo gắn doanh nghiệp, huy động các nguồn lực xã hội hóa cho giáo dục nghề nghiệp. Nhìn chung, chiến lược phải thể hiện tính tổng thể, quan điểm, giải pháp của chiến lược đảm bảo tính tập trung, có ưu tiên.

PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng chiến lược luôn có sứ mệnh lịch sử đặc biệt, cần định hình rõ ràng. Đây là cơ hội để đổi mới toàn hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Cơ cấu nguồn nhân lực giáo dục nghề nghiệp phải là một bộ phận của cơ cấu nhân lực quốc gia, chiến lược phát triển nhân lực quốc gia. PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh cần có đánh giá đầy đủ, sâu sắc về nguyên nhân, hạn chế của thực hiện chiến lược phát triển dạy nghề giai đoạn trước đó, đánh giá một cách đầy đủ thực trạng nguồn lực hiện có. Nhân lực Việt Nam hiện nay còn nhiều hạn chế, chỉ đáp ứng ở mức thấp các yêu cầu của công nghiệp. Đứng trước yêu cầu thay đổi cơ cấu công nghiệp, sự tác động của kinh tế số dẫn đến thay đổi cơ cầu ngành nghề, 10 năm tới cơ cấu nghề nghiệp Việt Nam sẽ ra sao, kỹ năng của người lao động thay đổi như thế nào điều này cần định hình rõ.

Bên cạnh đó, TS jurgen Harwigt, Giám đốc chương trình Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam cho rằng trong 10 năm qua, Việt Nam gặt hái được nhiều thành tựu trong phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Hiện nay, Việt Nam có hệ thống giáo dục nghề nghiệp với sự thống nhất trong quản lý nhà nước, nhìn nhận của xã hội về giáo dục nghề nghiệp đã có sự thay đổi tích cực, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp đã tăng lên. Giáo dục nghề nghiệp cần có sự đổi mới trước nhiều thách thức của sự già hóa dân số, tác động của dịch bệnh toàn cầu, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập quốc tế. TS jurgen Harwigt đề nghị giai đoạn tới, giáo dục nghề nghiệp cần tập trung cải thiện hệ thống thông tin dữ liệu, báo cáo, dự báo đáp ứng yêu cầu phát triển hệ thống; xây dựng các tiêu chuẩn ở nhiều cấp trình độ khác nhau, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý. Ưu tiên phát triển mô hình hội đồng kỹ năng nghề ở nhiều ngành nghề khác nhau, đào tạo trong nội bộ doanh nghiệp và đưa giáo dục nghề nghiệp tiếp cận tốt hơn đối với người dân và xã hội.

TS Nguyễn Văn Lân, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh sự cần thiết về phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cần có một trung tâm tích hợp vùng thực hiện nhiều chức năng đào tạo bồi dưỡng, chiến lược cần làm rõ cơ chế đặt hàng trong đào tạo để giảm bớt đầu tư từ nguồn kinh phí nhà nước.

Đại diện trường Cao đẳng Than khoáng sản Việt Nam đề nghị mục tiêu cần có số liệu cụ thể; bổ sung cơ sở pháp lý đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, bổ sung danh mục ngành nghề có tính chất độc hại vào danh mục các ngành nghề phải có đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.

Phát biểu tổng kết hội thảo, TS Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho rằng Việt Nam hiện nay với quy mô dân số trên 90 triệu người, lượng lượng lao động trên 55 triệu người, mỗi năm giáo dục nghề nghiệp chỉ tuyển sinh khoảng 2,2 triệu người, lực lượng lao động qua đào tạo chưa tới 25% như vậy là chưa tương xứng. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo trong thời gian tới tăng quy mô tuyển sinh lên gấp đôi, gấp ba sẽ là một thách thức lớn cho hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Đào tạo, đào tạo lại, đào tạo thường xuyên, thiết kế hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt hướng vào đối tượng trên 55 triệu lao động là nội dung mà Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp sẽ tập trung cao độ trong thời gian tới. Bên cạnh đó, chất lượng giáo dục nghề nghiệp là một thách thức lớn, giáo dục nghề nghiệp đã có nhiều cải thiện xong khoảng cách còn rất xa so với các nước ASEAN-4.

Việc xây dựng hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt, hiệu quả đi liền với sử chuyển đổi mô hình đào tạo, số hóa hệ thống đào tạo, sản phẩm đầu ra của đào tạo là người học với những kỹ năng tích hợp và năng lực đổi mới sáng tạo sẽ là những thách thức rất lớn trước thực tế nguồn tuyển đầu vào có hạn chế nhiều mặt, tư duy đào tạo dựa vào nhà trường là chủ yếu – school based tranning vẫn hiện hữu trong toàn hệ thống. Bên cạnh đó đổi mới cơ chế tài chính, cơ chế tự chủ cũng là những thách thức lớn cho hệ thống, tư duy quản lý giáo dục nghề nghiệp còn chậm đổi mới. Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp phải là một bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển kinh tế xã hội, đồng thời gắn với chiến lượng phát triển giáo dục và đào tạo, chuyển hệ thống vận hành theo cơ chế tự chủ và quy luật cạnh tranh, phát triển theo hướng mở rộng quy mô, số lượng và nâng cao chất lượng. Nhấn mạnh vai trò của các tổ chức chính trị xã hội, hiệp hội ngành nghề tham gia vào quá trình phát triển giáo dục nghề nghiệp, chẳng hạn như mô hình hội đồng kỹ năng ngành hiện nay rất tốt. Tổng cục trưởng nhấn mạnh 3 nhóm vấn đề liên quan tới xây dựng mục tiêu chiến lược cần làm rõ là quy mô, chất lượng và cơ cấu ngành nghề đào tạo. Vấn đề nhận thức của các cấp quản lý về giáo dục nghề nghiệp cần được thay đổi, câu chuyện thay đổi thể chế chính sách tiếp tục được đẩy mạnh tăng cường, tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình đào tạo, chuyển đổi số, các nội dung liên quan đến phát triển hệ thống như liên thông, khung trình độ, hội nhập quốc tế, đảm bảo chất lượng…Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cảm ơn và ghi nhận những ý kiến từ các chuyên gia, nhà khoa học và cán bộ quản lý và sẽ tiếp tục tiếp thu để hoàn thiện dự thảo chiến lược trong thời gian tới.

Nguồn: gdnn.gov.vn

các bài mới hơn

các bài cũ hơn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *