Tổng kết Chương trình “Nhân rộng mô hình trữ nước sinh hoạt và nông nghiệp tại các tỉnh ven biển ĐBSCL”

Ngày 20/12, Trường Đại học Trà Vinh (ĐHTV) phối hợp với Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP-AFCIA), Hiệp Hội Cao đẳng Cộng đồng Việt Nam tổ chức tổng kết Chương trình “Nhân rộng mô hình trữ nước sinh hoạt và nông nghiệp tại các tỉnh ven biển ĐBSCL”.

Đại biểu tham dự tổng kết Chương trình.

Tham dự tổng kết, có GS.TS Phạm Tiết Khánh, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐHTV; PGS. TS Diệp Thanh Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHTV; lãnh đạo các sở, ngành tỉnh; UBND các xã của 03 tỉnh: Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng – nơi có hộ dân tham gia Chương trình và đại diện một số hộ dân tham gia Chương trình.

Tại lễ tổng kết, TS, Trần Thị Ngọc Bích, Phó Trưởng Ban Khoa học Công nghệ – Hiệp Hội Cao đẳng Cộng đồng Việt Nam; Phó Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Môi trường, Trường ĐHTV thông tin kết quả Chương trình.

TS Trần Thị Ngọc Bích, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Môi trường, Trường ĐHTV báo cáo kết quả Chương trình.

Chương trình do Phát triển Liên hợp quốc hỗ trợ triển khai trong 02 năm (2023 – 2024). Tháng 08/2023, Hiệp hội Cao đẳng Cộng đồng Việt Nam được tài trợ từ Chương trình phát triển Liên hợp quốc, phối hợp với Trường ĐHTV thực hiện Chương trình.

Sau 16 tháng triển khai tại 03 tỉnh: Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng, đến nay Chương trình đã hoàn thành, đáp ứng mục tiêu đề ra và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, thiết kế và lắp đặt 03 hệ thống túi trữ nước và hệ thống tưới mẫu cho nông nghiệp; thu tái sử dụng hơn 01 tấn bạt nhựa từ ao nuôi tôm sú công nghiệp; thiết kế và lắp đặt 30 hệ thống túi trữ nước và hệ thống tưới tự động cho hoạt động sản xuất nông nghiệp; thiết kế và lắp đặt 32 hệ thống bồn trữ nước, hệ thống lọc và đèn UV cho mục đích sinh hoạt…

Đồng chí Nguyễn Thanh Thưởng, Phó Chủ tịch UBND xã Long Hòa chia sẻ về hiệu quả mô hình đối với trồng màu vùng nước mặn tại các xã cù lao.

Chương trình đã tổ chức 20 lớp tập huấn về lắp đặt hệ thống trữ nước cho nông nghiệp; quản lý nước hiệu quả; kỹ thuật canh tác cây trồng hiệu quả trong mùa khô và xâm nhập mặn; quản lý dịch bệnh và sâu hại; kỹ năng quản lý và sử dụng nước hiệu quả trong sinh hoạt; bảo trì và vận hành hệ thống trữ nước cho nông nghiệp và sinh hoạt; tầm quan trọng của nước sạch đối với sức khỏe; nâng cao nhận thức của cộng đồng về BĐKH, xâm nhập mặn, khô hạn và các giải pháp hiệu quả để phát triển bền vững.

Đồng chí Lê Văn Tài, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Thạnh Phú, tỉnh Sóc Trăng ý kiến về định hướng nhân rộng mô hình.

Hiện các sản phẩm của Chương trình đã hoàn thành và bàn giao cho 62 hộ dân để khai thác, sử dụng. Thông qua Chương trình, Hiệp hội Cao đẳng Cộng đồng Việt Nam và Trường ĐHTV khẳng định cam kết trong nỗ lực xây dựng và phát triển cộng đồng, tạo tiền đề cho các sáng kiến hỗ trợ về sau, hướng đến xây dựng sinh kế bền vững cho các hộ đang gặp khó khăn nhằm tìm ra các giải pháp phát triển kinh tế, thích ứng với BĐKH, đặc biệt là xâm nhập mặn và khô hạn ở ĐBSCL.

Bà Thạch Thị Si Mên, nông dân huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng thông tin về hiệu quả của mô hình phục vụ trồng hành tím tại Vĩnh Châu.

Tại lễ tổng kết, đại biểu tập trung thảo luận, chia sẻ về hiệu quả từ Chương trình, góp phần làm hạn chế những đối mặt với thử thách khắc nghiệt từ xâm nhập mặn và khô hạn, dẫn đến thiếu nước ngọt nghiêm trọng cho mùa vụ và đời sống trong những năm qua và thời gian tới. Thành công của chương trình là tiền đề để nhân rộng.

Chương trình đã tiếp thêm động lực, cổ vũ, động viên giúp các địa phương và người dân tìm các giải pháp sản xuất, sử dụng tối ưu nguồn nước ngọt hiện có cũng như các tài nguyên nước tại ĐBSCL, kể cả nước lợ và mặn.

GS.TS. Phạm Tiết Khánh, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐHTV trao giấy chứng nhận cho các cán bộ sở, ngành và Trường ĐHTV dân tham gia Chương trình.

Chương trình đã gắn với cộng đồng, cải thiện sinh kế cho người dân. Hơn 60 hộ đã tham gia trực tiếp vào mô hình với hơn 300 người dân được hưởng lợi từ các mô hình và hàng ngàn người dân có cơ hội học tập và ứng dụng trữ nước cho hoạt động canh tác, sinh hoạt của gia đình và khu vực mình đang sinh sống.

Đồng chí Lê Quang Răng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT trao giấy chứng nhận cho các nông dân tham gia Chương trình.

Phát biểu tại lễ tổng kết, đồng chí Lê Quang Răng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Trà Vinh khẳng định: mô hình được thực hiện không chỉ góp phần bảo vệ nguồn nước, giảm thiểu phát thải nhựa, tái sử dụng bạt nhựa từ ao tôm thành hệ thống trữ nước cho nông nghiệp kết hợp với hệ thống tưới tiết kiệm và kỹ thuật canh tác hữu cơ sẽ tạo ra mô hình nông nghiệp xanh, giảm phát thải các-bon, hỗ trợ cải thiện sinh kế cho cộng đồng; Sở NN-PTNT sẽ có kế hoạch nhân rộng.

Việc nhân rộng tập trung vào 03 lĩnh vực: Thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững, tăng cường an ninh lương thực và sức khỏe cộng đồng bằng các giải pháp hiệu quả ứng dụng thực tế; nâng cao kiến thức và khả năng thích ứng với BĐKH.

PGS. TS. Diệp Thanh Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHTV trao giấy chứng nhận cho các nông dân 03 tỉnh tham gia Chương trình.

Phát biểu kết luận, PGS. TS Diệp Thanh Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHTV cảm ơn các sở, ngành, địa phương; Sở NN-PTNT của 03 tỉnh Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng; sự giúp đỡ nhiệt tình từ lãnh đạo UBND các huyện nơi triển khai Chương trình; các sở, ban ngành và địa phương đã giúp đỡ, tạo điều kiện và cộng tác trong suốt thời gian qua…

Dịp này, Trường ĐHTV trao 82 giấy chứng nhận tham gia Chương trình. Trong đó, 62 nông dân của 03 tỉnh, 10 cán bộ kỹ thuật Trường ĐHTV và các sở, ngành tỉnh; 10 cán bộ xã, nơi thực hiện Chương trình tại 03 tỉnh.

Đại biểu tham dự Chương trình chụp ảnh lưu niệm.

Nguồn: baotravinh.vn

các bài mới hơn

các bài cũ hơn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *